Dự án POHE giai đoạn 1 đã đạt được thành tựu đáng kể về xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, về phương pháp tổ chức và quản lý đào tạo dựa trên sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Những thành công này là nền tảng cho giai đoạn 2, trong đó các trường sẽ tận dụng cơ hội mà Dự án POHE2 mang lại và vượt qua những thách thức dựa vào vào tầm nhìn và quyết tâm của người lãnh đạo nhà trường. Nói cách khác, kết quả và tác động mà POHE2 có thể tạo ra ở các trường tùy thuộc phần lớn vào nhận thức của các trường, vào việc lựa chọn mục tiêu và phương tiện đạt đến mục tiêu ấy cho nhà trường, tức là nằm trong tầm nhìn và sứ mạng mà nhà trường vạch ra cho phát triển giáo dục định hướng nghề nghiệp ứng dụng ở trường mình.
Để hỗ trợ các trường xây dựng tầm nhìn sứ mạng phù hợp, Dự án POHE2 đã tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng và các Hội nghị cấp trường ở 8 trường đại học tham gia. Mục tiêu của các hội nghị này là nhằm trao đổi ý tưởng và thảo luận những vấn đề cụ thể của từng trường, để đi đến một tuyên ngôn tầm nhìn sứ mạng về việc phát triển giáo dục định hướng nghề nghiệp ứng dụng phù hợp với đặc điểm, chiến lược phát triển cũng như nguồn lực của từng trường. Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo 8 trường đại học tham gia Dự án đã cùng ký tên vào bản Tuyên bố chung về phát triển giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng, cam kết tập trung nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển POHE. Văn bản này có ý nghĩa quan trọng, mở ra một giai đoạn mới trong các trường đại học - khi tầm nhìn và sứ mạng đó sẽ quyết định hướng đi và hành động của nhà trường trong việc tận dụng những cơ hội mà Dự án POHE2 mang lại để phát triển nhà trường và làm cho nhà trường ngày càng hữu dụng hơn đối với xã hội.
Phát triển, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo trong giai đoạn 1
Phát huy kết quả của Dự án POHE giai đoạn 1 trong việc hỗ trợ 8 trường đại học tham gia, Dự án POHE giai đoạn 2 đã tiếp tục củng cố Chu trình phát triển chương trình đào tạo POHE bao gồm các bước:
Trong giai đoạn 2, để đảm bảo chu trình phát triển chương trình đào tạo POHE, Dự án đã hỗ trợ các trường đại học thực hiện khảo sát thị trường lao động để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và điều chỉnh, cập nhật nội dung chương trình. Giảng viên được các chuyên gia Hà Lan hướng dẫn cụ thể các phương pháp và kỹ thuật khảo sát thị trường lao động phục vụ cho đánh giá và điều chỉnh chương trình, sau đó có thể tự triển khai khảo sát trong chương trình của mình và chia sẻ kinh nghiệm cho các chương trình khác trong trường.
Phát triển các chương trình đào tạo POHE mới
Trên cơ sở kỹ thuật và kinh nghiệm đã tích luỹ từ giai đoạn 1 đến nay, Dự án POHE2 đã hỗ trợ cho các trường đại học tiếp tục xây dựng 40 chương trình đào tạo theo định hướng POHE mới. 40 chương trình đào tạo mới được lựa chọn để hỗ trợ là những chương trình do 8 trường đại học tham gia Dự án đề xuất trên cơ sở nhu cầu phát triển định hướng POHE cho những ngành này. Cho đến nay các chương trình đào tạo đã và đang được hoàn thiện, hầu hết các chương trình đã bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2015 – 2016. Ngoài 05 chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng mới được Dự án hỗ trợ phát triển tại 8 trường, một số trường đã triển khai các chương trình khác theo định hướng POHE bằng nguồn kinh phí đối ứng của trường, thể hiện sự quyết tâm theo định hướng POHE, điển hình như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ở một số trường, “POHE” không phải là một chương trình đào tạo được thực hiện trong khuôn khổ của một Dự án có tài trợ, mà đã trở thành một triết lý đào tạo được thấm nhuần từ mục tiêu chiến lược tới suy nghĩ và hành động của mọi thành viên trong nhà trường.
Nếu như trong giai đoạn 1, các chương trình đào tạo POHE được các chuyên gia Hà Lan tư vấn và hỗ trợ sát sao trong mọi khâu thì trong Dự án POHE giai đoạn 2, tất cả các trường đã hoàn toàn chủ động về mặt kỹ thuật thiết kế và vận hành chương trình đào tạo. Trong suốt quá trình lập kế hoạch phát triển chương trình đào tạo, các chuyên gia thuộc các trường đại học đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp. Hoạt động này đã tạo nên một tinh thần văn hoá học tập và chia sẻ sôi nổi trong các khoa đã từng và các khoa mới triển khai chương trình POHE.
Dự án POHE 2